Người trồng quýt hồng Lai Vung lỗ nặng vì bị ép giá

Người trồng quýt hồng Lai Vung lỗ nặng vì bị ép giá Mất mùa, lại bị thương lái ngưng thu mua và ép giá nên người dân trồng quýt hồng tại Lai Vung (Đồng Tháp) đang lâm vào cảnh khó khăn.
  • Cặp khế trên 100 tuổi giá hơn 1,2 tỷ đồng ở Sài Gòn / Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh vì băng tuyết

Khác với cảnh săn đón năm trước, vụ Tết này, người trồng quýt hồng Lai Vung lại rơi vào cảnh đứng ngồi không yên vì thương lái ngưng mua và ép giá.

Ông Tư Ràng, người có hơn 3.000 m2 quýt hồng than thở do thời tiết kém thuận lợi, mưa gió thất thường, sản lượng quýt tại vườn giảm 30% so với mọi năm và chỉ đạt khoảng 13-14 tấn. 

"Cứ ngỡ cả huyện mất mùa quýt thì giá bán vào dịp Tết sẽ cao giúp nhà vườn kéo lại vốn đầu tư nhưng tới nay, dù quýt đã chín nhưng không hề thấy thương lái thu mua. Với tình hình này, vụ quýt năm nay coi như là mất trắng. Riêng khu vườn nhà tôi lỗ có thể lên tới 300 triệu đồng", ông Tư Ràng bộc bạch.

nguoi-trong-quyt-hong-lai-vung-lo-nang-vi-bi-ep-gia

Người dân Đồng Tháp đang gặp khó khi thương lái ngưng thu mua quýt. Ảnh: Nam Lê.

Ông Ràng cũng cho biết, nếu năm ngoái, đến đầu giữa tháng 11 là thương lái đi thu gom cả những trái quýt nứt, rụng sớm thì năm nay tới 23 tháng chạp, họ vẫn "án binh bất động". Một số thương lái nhỏ lẻ đi tới vài nhà vườn thu gom thì ép giá chỉ của nông dân chỉ còn 15.000-16.000 đồng một kg. Cùng kỳ năm ngoái, họ ồ ạt thu gom không kể xấu đẹp với giá 25.000-27.000 đồng một kg. 

Cũng gặp khó như ông Ràng, gia đình ông Năm ở cùng huyện cũng trồng khoảng 2.000m2 nhưng nay vẫn chưa bán được trái nào. Vợ ông phải cắt ra chợ bán nhưng cũng chỉ được vài chục kg mỗi ngày. 

"Năm nay không những thiên nhiên không ưu đãi mà thương lái còn ép giá nên gia đình tôi có nguy cơ lỗ 100 triệu vì không tiêu thụ được hàng. Một số trái còn xanh thì có thể để ra tháng một âm lịch bán nhưng số lượng này rất ít", ông Năm chia sẻ. Người nông dân này cũng cho biết, trồng quýt rất khó chăm sóc, mà mỗi năm chỉ cho một vụ nên nếu không được giá và được mùa thì nông dân vô cùng khó khăn.

Anh Nguyễn Hữu Hiền, xã Long Hậu cũng buồn rầu chia sẻ: "Đây là năm đầu tiên vườn quýt nhà tôi cho trái chín, khoảng trên 15 tấn. Hồi đầu tháng Chạp thấy giá quýt khoảng 28.000 đồng một kg cảm thấy phấn khởi lắm. Tuy nhiên, do quýt chưa chín rộ nên gia đình để lại tới khoảng rằm mới cho lái vào xem. Ai ngờ đến khi quýt chín thì gọi lái nào cũng không được, giá quýt liên tục rớt. Hiện tại, giá quýt hồng thương lái mua tại vườn chỉ còn tầm 18.000-22.000 đồng một kg, tùy loại".

Trao đổi với VnExpress, ông Lưu Văn Tín - Giám đốc hợp tác xã quýt hồng Lai Vung xác nhận, trái cây này đang dội chợ. Đầu vụ trái cây này có giá 25.000-27.000 đồng thì giờ chỉ 18.000 đồng một kg mà rất ít thương lái thu gom.

Nếu năm ngoái cứ 1.000m2, nông dân thu được 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì cũng lãi khoảng vài chục đến 100 triệu. Riêng năm nay, thương lái ép giá lại mất mùa nên nhiều hộ tiết giảm chi phí đầu tư thì hòa vốn, còn lại đa phần là lỗ. Hiện, toàn huyện có 800ha quýt hồng nhưng tới nay lượng tiêu thụ còn thấp.

"Chúng tôi cũng tìm đủ mọi cách nhưng vẫn rất khó khăn vì hàng năm đầu mối tiêu thụ vẫn chủ yếu dựa vào thương lái chứ chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu cho nông dân nên người dần luôn thấp thỏm mỗi khi quýt vào vụ. Đây cũng là khó khăn mà huyện vẫn chưa giải quyết được không chỉ với quýt hồng mà nhiều nông sản khác cũng chung tình cảnh trên", ông Tín nói.

Lý giải nguyên nhân về việc giá quýt xuống thấp, ông Lê Văn Trung, một thương lái có nhiều năm gắn bó với nghề này chia sẻ: "Phần lớn sản lượng quýt hồng ở Lai Vung được tiêu thụ ở thị trường TP HCM. Tuy nhiên, khác với những năm trước, cánh thương lái và nhà vựa ở thành phố năm nay rất e dè, tránh "ôm hàng" sớm với giá cao và bị lỗ nặng vào ngày cuối cùng của năm. Riêng miền Trung và thị trường Hà Nội thì tới thời điểm này gần như "im hơi" do ảnh hưởng mấy trận rét đậm vừa qua nên vẫn chưa đóng hàng đi Hà Nội được".

Thi Hà

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét